Mục lục

1. Hủ nữ xuyên tiên hiệp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Lớn WTO

Bài tập số 6:
Phân tích vị trí, vai trò, tầm quan trọng của WTO trong trật tự kinh tế quốc tế.
MỞ ĐẦU
WTO có tên đầy đủ là Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization). Tổ chức này là một trong những tổ chức quốc tế quan trọng nhất thế giới hiện nay. Với 160 thành viên, WTO là tổ chức quốc tế duy nhất đưa ra các quy tắc, luật lệ điều tiết quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Khối lượng giao dịch giữa các thành viên WTO hiện chiếm trên 98% giao dịch thương mại quốc tế. Tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng WTO đã đóng một vai trò không thể thay thế trong trật tự kinh tế quốc tế. Vậy cụ thể thì tổ chức này có vai trò, vị trí và tầm quan trọng như thế nào đối với trật tự kinh tế quốc tế?

NỘI DUNG
Có nhiều cách nhìn về WTO. Đây là một tổ chức với mục tiêu chủ yếu là mở cửa và tăng cường sự công bằng trong thương mại. Đây là một diễn đàn cho các quốc gia, nơi các vấn đề liên quan đến thương mại được đưa ra bàn bạc, đàm phán một cách công khai, thẳng thắn. Đó là một nơi để giải quyết tranh chấp thương mại. Cũng là nơi vận hành một hệ thống gồm các quy tắc thương mại.
1.     Vị trí của WTO
a.     Lịch sử
WTO được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. Tổ chức này kế thừa và phát triển các quy định và thực tiễn thực thi Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan - GATT 1947 (chỉ giới hạn ở thương mại hàng hoá) và là kết quả trực tiếp của Vòng đàm phán Uruguay (bao trùm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, dịch vụ, sở hữu trí tuệ và đầu tư).
b.     Mục đích
Các hiệp định của WTO rất dài và phức tạp vì đó là những văn bản pháp lí qui định rất nhiều lĩnh vực hoạt động như: nông nghiệp, hàng dệt may, hoạt động ngân hàng, viễn thông, thị trường công, tiêu chuẩn công nghiệp, tính an toàn của sản phẩm, qui định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, và còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa… ( đặc biệt là các hiệp định GATT 1994, GATS, TRIPS). Tuy nhiên, có một số nguyên tắc đơn giản và cơ bản làm kim chỉ nam của tất cả các lĩnh vực này, và trở thành nền tảng của hệ thống thương mại đa biên, và chúng được tạo ra vì một nền thương mại:
- Không phân biệt đối xử (giữa hàng hóa quốc gia này với quốc gia khác, giữa hàng hóa nội địa và hàng hóa nhập khẩu).
- Thương mại cởi mở hơn, khuyến khích thương mại phát triển (giảm thiểu dẫn tới xóa bỏ rào cản thương mại bao gồm các rào cản về thuế quan hoặc phi thuế quan).
- Minh bạch và có thể dự đoán (với sự ổn định và khả năng dự báo, đầu tư được khuyến khích, công ăn việc làm được tạo ra và người tiêu dùng có thể tận hưởng đầy đủ những lợi ích của sự cạnh tranh công bằng – nhiều lựa chọn với giá thấp hơn).
- Cạnh tranh công bằng.
- Mang lại lợi ích nhiều hơn cho các nước kém phát triển.
- Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
c. Địa vị của WTO
Được ghi nhận trong điều 8 hiệp định Marrakesh, WTO được các quốc gia thành viên của nó trao cho một địa vị “siêu quốc gia” với tư cách pháp nhân, năng lực pháp lý và quyền bất khả xâm phạm để thực hiện các chức năng và vai trò của mình. Có thể nói chưa có một tổ chức quốc tế nào ngoài WTO lại được trang bị nhiều phương tiện pháp lý và quyền cưỡng bức như thế để thực thi những mục đích đề ra.
2.     Vai trò và tầm quan trọng của WTO
WTO có nhiều vai trò khác nhau, nhưng về cơ bản nó có một số vai trò quan trọng như sau:
a.     Giải quyết nhanh các tranh chấp nhanh chóng và gìn giữ hòa bình.
Do thương mại tăng lên về khối lượng, số lượng sản phẩm được trao đổi, cũng như tăng số lượng các nước và công ty tham gia thương mại, nên có thêm nhiều cơ hội để những tranh chấp thương mại nảy sinh. WTO giúp giải quyết các tranh chấp này một cách hoà bình và mang tính xây dựng. Gần 200 tranh chấp đã được đưa ra giải quyết ở WTO kể từ khi tổ chức này thành lập. Nếu thiếu một cơ chế đa phương như hệ thống WTO, các nước lớn sẽ càng được tự do đơn phương áp đặt ý muốn của mình cho các nước yếu hơn.
b.     Mang lại sự ổn định và thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Hệ thống toàn cầu WTO giúp giảm bớt các hàng rào mậu dịch thông qua thương lượng và áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử. Kết quả là chi phí sản xuất giảm, giá hàng hoá thành phẩm và dịch vụ giảm và nhờ đó chi phí cuộc sống thấp hơn. Nếu như các thành viên của WTO vi phạm các quy định trong các hiệp định, thỏa thuận đã tham gia và kí kết, WTO có trách nhiệm bảo đảm cho các hiệp định, thỏa thuận này được thực thi một cách nghiêm chỉnh.
c.      Thương mại bình đẳng dựa trên nguyên tắc thay vì sức mạnh.
WTO không thể tuyên bố sẽ làm cho tất cả các nước đều bình đẳng. Nhưng WTO thực sự làm giảm bớt một số bất bình đẳng, giúp các nước nhỏ hơn có nhiều tiếng nói hơn. Đồng thời cũng giải thoát cho các nước lớn khỏi sự phức tạp trong việc thoả thuận các hiệp định thương mại với các đối tác của mình.
d.     Tăng thu nhập và nâng cao mức sống.
Giảm bớt hàng rào thương mại cho phép thương mại tăng trưởng, điều này làm tăng thu nhập – cả thu nhập quốc dân và thu nhập cá nhân. Dự tính của WTO về tác động của các thoả thuận thương mại tại vòng đàm phán Uruguay 1994 là thu nhập của thế giới có thêm từ 109 tỷ USD đến 510 tỷ USD.
e. Khuyến khích nền kinh tế thương mại tăng trưởng nhanh và điều đó sẽ giúp giải quyết vấn đề việc làm.
Bảo hộ thương mại không phải là cách để giải quyết các vấn đề thất nghiệp. Thay vào đó, thực tế cho thấy thương mại tự do hơn có lợi cho vấn đề việc làm. Uỷ ban EU tính toán rằng việc thiết lập thị trường duy nhất của nó có nghĩa là có thêm khoảng từ 300.000 đến 900.000 việc làm nữa so với lúc không có thị trường duy nhất.
f. Khuyến khích chính phủ hoạt động tốt hơn.
WTO quản lý việc thực hiện các hiệp ước của nó cũng như giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia. Hiệp định của WTO đòi hỏi các chính phủ thực hiện chính sách thương mại minh bạch, thông báo cho WTO về chính sách pháp luật hiện hành. Hội đồng WTO và các ủy ban khác nhau được thành lập nhằm đảm bảo mục tiêu này. Tất cả thành viên WTO đều phải trải qua giám sát định kỳ về chính sách thương mại và việc tuân thủ các hiệp định của họ.
Tóm lại, sự ra đời của WTO đã góp phần tăng trưởng thương mại hàng hoá và dịch vụ trên thế giới phục vụ cho sự phát triển ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, bảo đảm cho các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất được thụ hưởng thụ những lợi ích thực sự từ sự tăng trưởng của thương mại quốc tế, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của các nước này và khuyến khích các nước này ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Nâng cao mức sống, tạo công ăn, việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảm các quyền và tiêu chuẩn lao động tối thiểu được tôn trọng.
3. Thực trạng và đánh giá
a. Cơ chế rà soát và minh bạch chính sách
Cơ chế này đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên. Về phía nước được rà soát chính sách, đây là dịp để hệ thống hoá lại các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại quốc tế để điều chỉnh, bổ sung. Về phía các nước thành viên còn lại, đây là một công cụ để giám sát việc thực thi các hiệp định WTO của nước được rà soát, và cũng là cơ hội để cập nhật về hệ thống thương mại của nước này. Việc rà soát chính sách thương mại thường xuyên và hiệu quả sẽ giúp giảm bớt khả năng phát sinh tranh chấp giữa các nước thành viên WTO.
Nhóm 4 nước và khu vực có tỷ trọng thương mại lớn nhất (hiện nay là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc) sẽ có tần suất rà soát 2 năm 1 lần. Nhóm 16 nước tiếp theo sẽ có tần suất 4 năm 1 lần. Các thành viên đang phát triển (ví dụ như Việt Nam) có tần suất 6 năm 1 lần. Các thành viên kém phát triển nhất (LCDs) có thể được áp dụng một giai đoạn rà soát dài hơn.
b. Gia nhập WTO – lợi và hại?
Một lợi ích kinh tế dễ nhận thấy từ việc gia nhập WTO là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) - một ví dụ về hiệp định thương mại ưu đãi và chắc chắn là được ưa chuộng  nhất. FTA được tạo ra dựa trên quy định của WTO. Một trong những ví dụ cụ thể về lợi ích một nước có thể nhận được từ thỏa thuận này là hiệp định FTA giữa Australia với New Zealand, Singapore, Mỹ, Thái Lan và Chile. Bằng việc tiếp cận các thị trường này, FTA cung cấp lợi nhuận thương mại đáng kể cho các nhà xuất khẩu và lợi ích kinh tế hơn cho mọi người dân Australia. Ngoài ra các thỏa thuận này có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua chi phí đầu vào thấp hơn và khuyến khích sản xuất trong nước để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là việc gia nhập WTO chỉ đem đến lợi ích. Bởi lẽ sau khi gia nhập WTO, các quốc gia đang phát triển và kém phát triển sẽ phải đối mặt với những thách thức về sức ép cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và cải cách nền kinh tế - hành chính quốc gia. Đặc biệt là sức ép chính trị và kinh tế từ các nước lớn. Mặt khác, tuy một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO là “Ưu đãi hơn cho các nước đang phát triển (DCs)”, song trên thực tế, các DCs không phải bao giờ cũng được hưởng lợi từ nguyên tắc này. Nó chỉ giống như một cái bánh vẽ - điều này được phản ánh rõ trong lịch sử tồn tại của hệ thống Thương Mại quốc tế và rõ nhất là trong sự bế tắc của Vòng đàm phán Đôha.
c. Công bằng trong phân bổ lợi ích – sự bế tắc của Vòng đàm phán Đôha
WTO đã rất cố gắng trong vai trò hướng tới tự do hóa thương mại của nó, nhưng một khi điều này gây ảnh hưởng đến lợi ích của một số nước “đầu tàu” thì rõ ràng vai trò của WTO là không đáng kể. Vòng đàm phán Đôha được khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 4, tổ chức tại Đôha, Quatar tháng 11 năm 2001. Mục tiêu ban đầu mà các Bộ trưởng đề ra là kết thúc Vòng Đô-ha vào năm 2005 nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Nội dung của nó là đàm phán về mục tiêu giảm bớt các rào cản thương mại trên toàn thế giới, với tiêu điểm là thực hiện thương mại công bằng đối với các nước đang phát triển. Các cuộc đàm phán hiện nay vẫn đang bế tắc do bất đồng trong quan điểm cũng như xung khắc giữa các nhóm lợi ích của các nước phát triển giàu có với các nước nghèo đang phát triển (chủ yếu là nhóm các quốc gia G20). Trợ cấp cho nông nghiệp là vấn đề đáng chú ý nhất bởi thỏa thuận về việc này là một chủ đề gay cấn nhất trong quá trình đàm phán.
KẾT
Tuy còn nhiều thiếu sót trong việc thực hiện chức năng và vai trò của mình, song WTO vẫn là một trong những cơ quan có quyền lực và có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu cũng như giữ gìn sự ổn định và trật tự kinh tế quốc tế. Để phát huy hơn nữa vai trò to lớn của nó, WTO cần có sự hợp tác thiện chí của tất cả các thành viên và quan sát viên cũng như những tổ chức quốc tế khác, tạo điều kiện để WTO thực hiện được mục tiêu “nâng cao mức sống, bảo đảm đầy đủ việc làm và một khối lượng thu nhập và nhu cầu thực tế lớn và phát triển ổn định; mở rộng sản xuất, thương mại hàng hoá và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường” như đã được ghi nhận trong hiệp định Marrakesh thành lập nên nó.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Đại học Luật Hà Nội – NXB Công an nhân dân
2.     Vị trí, vai trò và cơ chế hoạt động của Tổ chức Thương mại thế giới trong hệ thống thương mại đa phương – Dự án MUTRAP II – Bộ Công thương
3.     Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới










MỤC LỤC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét