Mục lục

1. Hủ nữ xuyên tiên hiệp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Thương mại 1 cá nhân 2



TM1.T2 - 2.
Hãy phân tích 3 điểm khác nhau trong quy định của pháp luật hiện hành về cơ cấu tổ chức, quản lý giữa công ty cổ phần và hợp tác xã.[1]
Hợp tác xã và công ty cổ phần đều là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và đều có sự bình đẳng như nhau trước pháp luật; đều được Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Cả hai mang một mô hình tương tự nhau là tổ chức hoạt động do sự đóng góp của nhiều thành viên. Trong đó, các thành viên cùng phân chia quyền lợi và trách nhiệm. Khi tham gia hợp tác xã, công ty cổ phần, xã viên hợp tác xã, thành viên công ty đều phải góp vốn theo quy định theo Điều lệ hợp tác xã hoặc Điều lệ công ty và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã hoặc vào công ty.
Tuy nhiên công ty cổ phần và hợp tác xã cũng có những sự khác nhau rất cơ bản, đặc biệt là về cơ cấu tổ chức, quản lý của chúng. Đó là lí do tại sao chúng được điều chỉnh bởi luật riêng.
Về cơ bản, hợp tác xã là tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. Song sự thành lập và hoạt động của hợp tác xã không chỉ hướng tới lợi ích kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội, có mục tiêu xã hội là sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các xã viên trong hợp tác xã, với mục đích nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của xã viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì thế mà hợp tác xã có được sự hỗ trợ ưu đãi rất lớn từ Nhà nước. Còn công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, thực hiện các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Điều này dẫn đến sự khác biệt rõ ràng trong cơ cấu tổ chức quản lý.
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp đối vốn, mọi nghĩa vụ cũng như quyền lợi trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức, quản lý của các cổ đông trong công ty đều dựa trên cơ sở giá trị cổ phần của người đó trong công ty. Trong khi đó, hợp tác xã lại là tổ chức kinh tế mang tính đối nhân, tức là yếu tố con người sẽ quyết định đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức, quản lý, sự tồn tại và phát triển của hợp tác xã. Các nghĩa vụ và quyền lợi của xã viên trong hợp tác xã không chỉ dựa vào mức vốn của người đó trong hợp tác xã mà còn dựa trên cơ sở công sức đóng góp cũng như mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã của xã viên đó (chẳng hạn, việc tổ chức Đại hội, đối với hợp tác xã phải có ít nhất 1/3 tổng số xã viên cùng có đơn yêu cầu triệu tập Đại hội gửi Ban quản trị. Trong khi đó, đối với công ty cổ phần thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông liên tục ít nhất trong sáu tháng sẽ có quyền triệu tập Đại hội).
Điều 29 Luật hợp tác xã 2012 quy định: “Cơ cấu tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên”. Tương ứng, Công ty cổ phần có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Tuy nhiên, đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải có Ban kiểm soát (điều 95 Luật Doanh nghiệp).
Số xã viên của hợp tác xã tối thiểu là 7, không hạn chế số lượng tối đa. Đối với công ty cổ phần thì tối thiểu cần có 3 cổ đông, không hạn chế số lượng. Trong hợp tác xã, vốn góp tối đa của một xã viên không được vượt quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã. Nhưng trong công ty cổ phần vốn góp của một cổ đông không bị hạn chế.
Trong hợp tác xã, thành viên thực hiện vai trò làm chủ của mình bằng cách tham gia vào quá trình ra quyết định. “Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã” (Điều 30, khoản 1). “Thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp” (Điều 7, khoản 3). Trong hợp tác xã, phương thức thành viên tham gia vào quá trình ra quyết định được mô phỏng từ dân chủ nghị viện. Quyền biểu quyết của thành viên là bình đẳng theo nguyên tắc “một thành viên, một phiếu bầu”. “Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên” (Điều 34, khoản 3), không phụ thuộc vào địa vị xã hội và cũng không phụ thuộc vào mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên đó. Ý nghĩa sâu xa của nguyên tắc “mỗi thành viên, một phiếu bầu” không chỉ đơn thuần là tư tưởng bình đẳng, mà còn ở chỗ khống chế sự xâm hại của đồng tiền đối với con người. Nói cách khác, hợp tác xã mang đặc tính “trọng nhân”.
Trong khi đó, mô hình công ty mang tính chất “trọng vốn”. Ở công ty cổ phần, các cổ đông thể hiện quyền làm chủ của mình theo nguyên tắc “mỗi cổ phần, một phiếu bầu”. Điều này có nghĩa là cổ đông nào càng nắm giữ nhiều cổ phiếu thì càng có nhiều quyền trong biểu quyết. Nơi có tiền là nơi tập trung quyền lực. Ngược lại, nguyên tắc bình đẳng trong hợp tác xã chia cắt giữa thế lực đồng tiền và quyền lực trong ra quyết định.














DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Giáo trình Luật Thương mại tập I 2012 – Trường Đại học Luật Hà Nội
2.     Luật Doanh nghiệp 2005 – sửa đổi bổ sung năm 2009
3.     Luật Hợp tác xã 2012




[1] Bộ bài tập Luật Thương mại của bộ môn Luật Thương mại – ĐH Luật Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét