Mục lục

1. Hủ nữ xuyên tiên hiệp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Thương mại 1 lớn



MỞ ĐẦU

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp đã và đang được phổ biến rộng rãi, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. Đây là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu nó. Vốn của công ty được chia nhỏ thành những phần bằng nhau gọi là cổ phần và được phát hành nhằm huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế thông qua việc phát hành cổ phiếu, và nhà đầu tư được gọi là cổ đông. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường như hiện nay,
Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra rất nhiều các quy định nhằm điều chỉnh sự ổn định của thị trường liên quan đến công ty cổ phần, đặc biệt là về cổ phần, cổ phiếu và cổ đông – những yếu tố quan trọng nhất của một công ty cổ phần.

NỘI DUNG

I. Khái niệm và đặc điểm pháp lí của công ty cổ phần

Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định:

1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa;

c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 81 và khoản 5 Điều 84 của Luật này.

2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn.

Công ty cổ phần là một thể chế kinh doanh, một loại hình doanh nghiệp hình thành, tồn tại và phát triển bởi sự góp vốn của nhiều cổ đông, là đặc trưng của loại hình công ty đối vốn.

Dựa vào chương IV Luật Doanh nghiệp[1] và nghị định 102/2010/NĐ-CP ta có thể tổng kết ra các đặc điểm pháp lí của công ty cổ phần:

·        Thành viên: tối thiểu phải có 3 cổ đông tham gia CTCP trong suốt quá trình hoạt động và không có sự hạn chế về số lượng tối đa. Thành viên CTCP có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

·        Vốn: vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau, do cổ đông góp và phải góp đủ trong vòng 90 ngày kể từ khi có Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thông qua việc mua cổ phần. Mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần. Luật không hạn chế mỗi thành viên được mua tối đa bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ nhưng các thành viên có thể thỏa thuận trong điều lệ giới hạn tối đa số cổ phần mà một thành viên có thể mua nhằm chống lại việc một thành viên nào đó có thể nắm quyền kiểm soát công ty. Không có quy định nào giới hạn mức vốn tối thiểu, tức là không buộc CTCP phải có đủ vốn pháp định (trừ một số ngành nghề đặc biệt). Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định của pháp luật.

·        Chế độ trách nhiệm: Công ty cổ phần chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, cổ đông chịu TNHH trong phạm vi phần vốn góp.

·        Tư cách pháp lí: CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh.

·        Huy động vốn: CTCP được phép phát hành chứng khoán để huy động vốn.

II. Cổ phần và cổ phiếu

1.     Cổ phần

a)     Khái niệm

Về cơ bản, cổ phần là phần chia nhỏ nhất vốn điều lệ của công ty (được thể hiện dưới hình thức cổ phiếu). Giá trị mỗi cổ phần (mệnh giá cổ phần) do công ty quyết định và ghi vào cổ phiếu. Mệnh giá cổ phần có thể khác với giá chào bán cổ phần. Giá chào bán cổ phần do Hội đồng quản trị của công ty quyết định nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 87 Luật doanh nghiệp. Theo quy định ở Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2010), mệnh giá của 1 cổ phần là 10.000 đồng.

Cổ phần là căn cứ pháp lí chứng minh tư cách thành viên công ty bất kể họ có tham gia thành lập công ty hay không. Từ cổ phần phát sinh quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

b)    Các loại cổ phần

Điều 78 Luật Doanh nghiệp quy định:

1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

2. Công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi.

Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

a) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

b) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

c) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

d) Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

3. Chỉ có tổ chức được Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

4. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

5. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

6. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Cụ thể hơn, cổ phần ưu đãi gồm:

·        Cổ phần ưu đãi biểu quyết: là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của 1 cổ phần ưu đãi biểu quyết do điều lệ Công ty quy định. Chỉ có tổ chức được chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó cổ phần ưu đãi biểu quyết của các cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

·        Cổ phần ưu đãi cổ tức: là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phiếu phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm. Cổ tức hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu.

·        Cổ phần ưu đãi hoàn lại: là cổ phần sẽ được Công ty hoàn lại vốn góp bất cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

·        Cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định

Các cổ phần ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại và ưu đãi khác thường tuân theo các quy tắc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

c)     Mua bán và chuyển nhượng cổ phần

Công ty cổ phần có thể chào bán cổ phần rộng rãi cho công chúng và cổ đông hiện hữu để huy động thêm vốn. Ngoài ra, các cổ đông hiện hữu của công ty có thể chuyển nhượng cổ phần của mình. Về phần chào bán cổ phần, Hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức và giá chào bán cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán. Giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất, trừ những trường hợp: Cổ phần chào bán lần đầu tiên cho những người không phải là cổ đông sáng lập; cổ phần chào bán cho tất cả cổ đông theo tỉ lệ cổ phần hiện có của họ ở công ty và cổ phần chào bán cho người môi giới hoặc người bảo lãnh. Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định. Thủ tục và trình tự chào bán cổ phần được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Trường hợp chuyển nhượng cổ phần, các cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần của cổ đông sáng lập với người không phải là cổ đông sáng lập trong ba năm, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty cũng có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty đó trong trường hợp cổ đông này yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Điều này xảy ra khi cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại điều lệ công ty.  Một công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần loại khác đã bán.

2.     Cổ phiếu

a)     Khái niệm

Cổ phiếu công ty cổ phần là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên. Luật công ty một số nước quy định mệnh giá tối thiểu của một cổ phiếu (giá trị các cổ phần được phản ánh trong cổ phiếu) và nguyên tắc làm tròn số. Luật doanh nghiệp của Việt Nam không có quy định này nhưng người ta thường phát hành các cổ phiếu có mệnh giá tương đương để dễ dàng so sánh trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu là giấy tờ có giá trị chứng minh tư cách chủ sở hữu cổ phần và đồng thời là tư cách thành viên công ty của người có cổ phần. Theo Luật doanh nghiệp thì cổ phiếu có thể là chứng chỉ (tờ cổ phiếu) hoặc bút toán ghi sổ. Trong trường hợp là bút toán ghi sổ thì những thông tin về cổ phiếu được ghi trong sổ đăng kí cổ đông của công ty. Sổ đăng kí cổ đông có thể là văn bản hoặc tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai. Cổ phiếu có thể được mua bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kĩ thuật, các tài sản khác, quy định tại điều lệ công ty và phải được thanh toán đủ một lần.

Trường hợp có sai sót trong nội dung và hình thức cổ phiếu do công ty phát hành thì quyền và lợi ích của người sở hữu nó không bị ảnh hưởng. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do những sai sót đó gây ra đối với công ty.

Trường hợp cổ phiếu bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó. Đề nghị của cổ đông phải có cam đoan về các nội dung sau đây: Cổ phiếu thực sự đã bị mất, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác; trường hợp bị mất thì cam đoan thêm rằng đã tiến hành tìm kiếm hết mức và nếu tìm lại được sẽ đem trả công ty để tiêu huỷ đồng thời chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp lại cổ phiếu mới.

Đối với cổ phiếu có giá trị danh nghĩa trên mười triệu đồng Việt Nam, trước khi tiếp nhận đề nghị cấp cổ phiếu mới, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể yêu cầu chủ sở hữu cổ phiếu đăng thông báo về việc cổ phiếu bị mất, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới hình thức khác và sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng thông báo sẽ đề nghị công ty cấp cổ phiếu mới.

b)    Các loại cổ phiếu

·        Cổ phiếu phổ thông: là loại cổ phiếu có thu nhập phụ̀ thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty. Người sở hữu cổ phiếu phổ thông được tham gia họp Đại hội đồng cổ đông và được bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng nhất của công ty, được quyền bầu cử và ứng cử vào Hội đồng quản trị của công ty.

·        Cổ phiếu ưu đãi: tương tự như cổ phiếu phổ thông nhưng cổ đông sở hữu nó không được tham gia bầu cử và ứng cử vào Hội đồng quản trị, nhưng lại có quyền được: hưởng thu nhập cố định hàng năm theo một tỷ lệ lãi suất cố định không phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty, được ưu tiên chia lãi cổ phần trước cổ đông phổ thông (cổ phiếu ưu đãi cổ tức) hoặc có quyền được biểu quyết với số phiếu cao hơn so với cổ phần phổ thông (cổ phiếu ưu đãi biểu quyết) hoặc có quyền đòi lại phần vốn góp bất cứ khi nào yêu cầu (cổ phiếu ưu đãi hoàn lại)

·        Cổ phiếu quỹ: là cổ phiếu đã được giao dịch trên thị trường và được chính tổ chức phát hành mua lại bằng nguồn vốn của mình.

·        Cổ phiếu chưa phát hành: là loại cổ phiếu mà công ty chưa bao giờ bán ra cho các nhà đầu tư trên thị trường.

·        Cổ phiếu đã phát hành: là cổ phiếu mà công ty được bán ra cho các nhà đầu tư trên thị trường và công ty đã thu về được toàn bộ tiền bán số cổ phiếu đó.

·        Cổ phiếu đang lưu hành: là cổ phiếu hiện đang lưu hành trên thị trường và do các cổ đông đang nắm giữ.

·        Cổ phiếu thưởng

c)     Đặc điểm của cổ phiếu

·        Tính thanh khoản cao

·        Tính lưu thông

·        Tính tư bản giả

·        Tính rủi ro cao

III. Cổ đông

1.     Khái niệm và phân loại

Cổ đông (tiếng Anh: Shareholder) là cá nhân hay tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp một phần hay toàn bộ phần vốn góp (cổ phần) của một công ty cổ phần. Chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu này gọi là cổ phiếu. Về bản chất, cổ đông là thực thể đồng sở hữu công ty cổ phần chứ không phải là chủ nợ của công ty đó do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của họ gắn liền với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các loại cổ đông thường được phân biệt bằng quyền cũng như nghĩa vụ gắn liền với loại cổ phiếu mà họ sở hữu. Cổ đông sáng lập là những cổ đông đầu tiên góp vốn để hình thành nên công ty cổ phần, là những người tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Cổ đông đặc biệt là cổ đông (thường là Nhà nước) mặc dù chỉ nắm một số lượng cổ phần rất ít ỏi chỉ mang tính chất tượng trưng nhưng có quyền phủ quyết trong một số quyết sách quan trọng (được quy định trong điều lệ công ty) của công ty cổ phần. Loại cổ đông này còn gọi là cổ đông ưu đãi biểu quyết và loại cổ phần mà cổ đông đặc biệt nắm giữ gọi là cổ phần ưu đãi biểu quyết.

Cổ đông ưu đãi là những cổ đông được ưu tiên một quyền nào đó (thường là quyền hưởng một tỷ lệ cổ tức cố định trước khi lợi nhuận được phân phối cho các cổ đông khác, quyền nhận lại giá trị của cổ phần khi có yêu cầu). Đi kèm với quyền ưu tiên, cổ đông ưu đãi thường bị hạn chế các quyền khác (ví dụ quyền ứng cử vào bộ máy quản trị của công ty, quyền biểu quyết...). Cổ đông phổ thông là các cổ đông còn lại.

Một cách phân loại khác là căn cứ tỷ lệ cổ phần mà cổ đông nắm giữ, theo cách này cổ đông được phân loại thành cổ đông lớn  cổ đông thiểu số. Tỷ lệ để có thể coi là cổ đông lớn thường do điều lệ công ty cổ phần quy định trên cơ sở tuân thủ luật pháp.

2.     Quyền và nghĩa vụ

Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông được quy định tại điều 79 và 80 của Luật doanh nghiệp. Đối với các cổ đông ưu đãi, họ nắm giữ loại cổ phần ưu đãi nào trong tay thì sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng với nó (điều  81, 82, 83 Luật doanh nghiệp). Quyền và nghĩa vụ của cổ đông sáng lập được quy định tại điều 84 Luật doanh nghiệp và điều 23 Nghị định 102/2010/NĐ-CP.

Về cơ bản, cổ đông có các quyền chủ yếu sau:

·        Quyền bỏ phiếu: Với số cổ phiếu tương ứng, cổ đông có thể bỏ phiếu hay thông qua đại diện do cổ đông uỷ quyền một cách hợp pháp để bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động của công ty cổ phần như đường lối, chiến lược kinh doanh, phân phối lợi nhuận, tăng hoặc giảm vốn điều lệ....trong kỳ họp (hoặc lấy ý kiến bằng văn bản) đại hội đồng cổ đông. Những vấn đề phải do đại hội đồng cổ đông quyết định được quy định trong bản điều lệ của công ty.

·        Quyền nhận cổ tức từ lợi nhuận của công ty; nhận phần giá trị tài sản còn lại của công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản. Tỷ lệ nhận tương ứng với tỷ lệ cổ phần của cổ đông. Khi công ty phá sản, giải thể, cổ đông chỉ có thể được nhận giá trị tài sản còn lại của công ty sau khi công ty đã thực hiện thanh toán các khoản nợ: nộp thuế, trả lương cho người lao động, trả nợ vay, trả nợ cho đối tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ..... Nói một cách khác, quyền của cổ đông đối với tài sản của công ty cổ phần có thứ tự ưu tiên xếp sau các chủ nợ của công ty đó.

·        Quyền lựa chọn: lựa chọn mua thêm cổ phần của công ty khi công ty tăng vốn điều lệ, chuyển đổi cổ phần ưu đãi thành cổ phần thường...

·        Quyền chuyển nhượng cổ phần mình đang nắm giữ, một số cổ đông như cổ đông sáng lập có thể bị hạn chế thực hiện quyền này bởi một số điều kiện do điều lệ công ty quy định.

IV. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan

Về cổ phần ưu đãi biểu quyết: pháp luật cần có những quy định cụ thể về cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Hiện tại Luật doanh nghiệp mới chỉ có các quy định rất chung về cổ phần ưu đãi biểu quyết: cổ đông nắm giữ loại cổ phần này là tổ chức được Chính phủ uỷ quyền. Có thể nói phần lớn các CTCP chưa phát hành loại cổ phần này vì thiếu những kiến thức pháp lý cũng như cơ sở pháp lý cần thiết. Cần có các quy định cụ thể về một số những vấn đề như: Cổ phần ưu đãi biểu quyết cần được phát hành trong trường hợp nào? Tỷ lệ cổ phần ưu đãi biểu quyết được chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số cổ phần phát hành và trong tổng số cổ phần mà công ty đã bán được. Điều kiện chuyển đổi cổ phần ưu đãi biểu quyết thành cổ phần phổ thông? Tổ chức như thế nào mới đủ dủ điều kiện để chính phủ ủy quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết?

Về cổ phần ưu đãi hoàn lại: với loại cổ phần này, công ty sẽ phải hoàn trả vốn cho cổ đông bất cứ lúc nào họ yêu cầu hoặc theo những điều kiện đã thoả thuận trước. Nhưng liệu công ty có nghĩa vụ bắt buộc phải trả lại cổ phần cho họ khi công ty đang lâm vào nguy cơ bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản không? Mặt khác, việc để cho Điều lệ công ty hoặc Đại hội cổ đông quy định các loại cổ phần ưu đãi khác là quy định đánh đố với CTCP, khi mà bản thân nhà làm luật còn không chỉ rõ cho công ty cách thức xác định như thế nào là “khác”, hay nó còn có các loại cụ thể nào.

 Do đó một thực tế phổ biến hiện nay là tại nhiều công ty cổ phần, quy định về ổ phần ưu đãi trong Điều lệ chỉ là để gọi là “cho có”, chứ hoàn toàn không phải là để tận dụng những ưu thế của loại hình cổ phần này. Nhiều công ty khó khăn trong việc huy động vốn (phát hành riêng lẻ hay phát hành đại chúng) do làm ăn kém hiệu quả, tỷ lệ chia cổ tức thấp hay khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng do lãi suất cao, nhưng lại chưa hoặc không tính đến việc phát hành các loại cổ phần ưu đãi dành cho các cổ đông, các nhà đầu tư của mình để họ yên tâm đầu tư vào công ty, thay vì mang tiền đi gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào các kênh đầu tư khác. Một thực tế phổ biến khác là khi nhiều cổ đông “thận trọng” muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào CTCP thông qua việc mua cổ phần với những bảo đảm an toàn cao hơn (các ưu đãi) thì chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng không hiểu hết ý nghĩa của các loại cổ phần ưu đãi dành cho họ, nên không thể chào mời các cổ đông tiềm năng này được. Có thể thấy, mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng cổ phần ưu đãi đang dần bị quên lãng trong cơ cấu sở hữu của CTCP. Vậy nên Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành cần có những quy định chi tiết về vấn đề này.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng cổ phần cũng còn nhiều bất cập. Có một sự mâu thuẫn trong vấn đề này giữa Luật doanh nghiệp và Luật hôn nhân và gia đình: Giả sử anh A là một trong các cổ đông sang lập công ty X trong thời gian kết hôn với vợ là chị B. Sau 3 năm, theo Luật doanh nghiệp anh A có quyền chuyển nhượng số cổ phần của anh cho người khác. Nhưng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung trong thời kỳ hôn nhân và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Do đó cổ phần của anh A cũng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng, nên nếu muốn chuyển nhượng thì phải có sự đồng ý của chị B (theo quy định của Luật Dân sự 2005). Tuy nhiên thực tế hiện nay trong quá trình thực hiện thủ tục thay đổi thay đổi đăng kí kinh doanh về chuyển nhượng cổ phần, tại các Phòng đăng kí kinh doanh không yêu cầu về văn bản chứng minh sự đồng ý của người vợ (hay người chồng trong trường hợp vợ là cổ đông chuyển nhượng). Chính điều này đã gây ra nhiều vướng mắc trong thực tiễn pháp luật, nhiều vụ việc chưa có hướng giải quyết, một bên trong quan hệ hôn nhân kiện ra Tòa án dân sự yêu cầu tuyên hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không có sự đồng ý của họ là giao dịch vô hiệu. Trong khi đó, xét dưới khía cạnh pháp luật Doanh nghiệp thì việc chuyển nhượng không yêu cầu văn bản đồng ý của người còn lại trong quan hệ hôn nhân, việc chuyển nhượng tuân thủ các thủ tục quy định thì Phòng đăng kí kinh doanh chấp nhận và làm tục chuyển nhượng cổ phần, cấp mới đăng kí kinh doanh cho công ty.

Một ví dụ khác, ông A là một cổ đông sáng lập sở hữu 2% cổ phần của CTCP X thành lập năm 2005. Sau đó, vào năm 2006 – 2007, ông tiến hành thu gom cổ phần của các cổ đông sáng lập khác, nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần của ông lên 30%. Sau khi thanh toán xong các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ông Nguyễn Văn A làm đơn đề nghị Hội đồng quản trị điều chỉnh lại Sổ đăng ký cổ đông để ghi nhận mình sở hữu 30% số cổ phần này. Hội đồng quản trị công ty từ chối với lý do: “(1)Theo Luật Doanh nghiệp cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. (2)Người bán là người đề nghị sửa đổi chứ không phải người mua”.

Trong trường hợp trên, lý do thứ nhất mà Hội đồng quản trị từ chối là không đúng vì người mua và người bán đều là cổ đông sáng lập nên được tự do chuyển nhượng cho nhau. Tuy nhiên, lý do thứ hai mà Hội đồng quản trị từ chối là có căn cứ vì theo quy định tại Khoản 1 Điều 449 Bộ luật dân sự thì “Trong trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, còn bên mua phải trả tiền cho bên bán”. Chúng ta không thể xác định chính xác thì ông A có được ghi nhận sở hữu 30% cổ phần hay không do mâu thuẫn giữa Luật doanh nghiệp và Luật dân sự.

Mặt khác, sự thiếu sót trong cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ cũng là một bất cập. Cổ đông nhỏ chiếm đa số trong bất cứ thị trường nào, kể cả thị trường chứng khoán tập trung cũng như thị trường phi tập trung nhưng lại không có một cơ chế nào đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi của họ. Luật doanh nghiệp và các hướng dẫn thi hành cũng có những quy định khác có liên quan đến bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số như quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần (Điều 90), công khai lợi ích có liên quan (Điều 118), nghĩa vụ của người quản lý công ty (Điều 119), hợp đồng, giao dịch phải được Đại hội cổ đông chấp thuận (Điều 120), công bố thông tin (đặc biệt là các công ty đại chúng/niêm yết trên thị trường chứng khoán)… Tuy nhiên, những quy định này hầu như chưa trở thành những công cụ hữu hiệu để bảo vệ cổ đông nhỏ.

Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 có thể coi là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ các cổ đông nhỏ khi đã dành cho họ quyền khởi kiện các cán bộ quản lý khi có vi phạm trong điều hành công ty. Theo điều 25 Nghị định 102, cổ đông có quyền tự mình khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc nếu họ không thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời quyền và nhiệm vụ được giao trong điều lệ, nghị quyết hoặc quyết định của hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông; sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; và các trường hợp khác theo luật hoặc điều lệ.

Tuy nhiên Nghị định 102 chỉ cho phép cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong sáu tháng mới có quyền khởi kiện hoặc yêu cầu ban kiểm soát khởi kiện (trong khi thành viên công ty TNHH không bị giới hạn tỷ lệ vốn góp tối thiểu này). Hơn nữa, chỉ sau 15 ngày nếu ban kiểm soát không trả lời bằng văn bản hoặc không tiến hành khởi kiện hoặc công ty không có BKS thì cổ đông mới được quyền trực tiếp khởi kiện. Trước hết, nói về thời hạn 15 ngày thông báo cho ban kiểm soát, đây có thể là quy định lợi bất cập hại. Trong 15 ngày này, các thông tin mà cổ đông cung cấp cho ban kiểm soát có thể bị rò rỉ cho các cán bộ quản lý liên quan, 15 ngày đó chẳng khác nào thời hạn để “đánh động” cho cán bộ quản lý để tạo điều kiện cho họ xóa bỏ chứng cứ, gây khó khăn cho việc khởi kiện của cổ đông. Lẽ ra nên dành cho cổ đông quyền kiện thẳng ra tòa án mà không cần thông qua ban kiểm soát.

Song, quan trọng hơn là việc hạn chế đối tượng khởi kiện - tức là cổ đông nắm giữ dưới 1% hoặc nắm 1% nhưng không đủ sáu tháng liên tục sẽ không có quyền này. Đó là một sự phân biệt đối xử. Bởi đã là cổ đông thì dù chỉ giữ một cổ phiếu, cũng là chủ của doanh nghiệp và phải có quyền khởi kiện - nhất là khi họ khởi kiện vì quyền lợi của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ có lợi chứ không có thiệt hại do việc khởi kiện này.

KẾT

Công ty cổ phần đã đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể về hình thức tổ chức kinh doanh, sự phát triển kinh tế và trình độ quản lí của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Ngày nay ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, mặc dù hình thức tổ chức kinh tế hết sức phong phú và đa dạng nhưng phổ biến và quan trọng nhất vẫn là công ty cổ phần. Được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới, công ty cổ phần vẫn chứng tỏ là một phương thức tổ chức kinh doanh để khai thác và sử dụng đồng vốn cao nhất, tất cả các điều đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế về mọi mặt của nền kinh tế quốc dân. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về cổ phần, cổ phiếu và cổ đông sẽ giúp cho môi trường kinh doanh trở nên công bằng, minh bạch hơn, từ đó phát huy cao nhất hiệu quả của mô hình công ty cổ phần.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Giáo trình luật thương mại tập I 2012 – Trường Đại học Luật Hà Nội – NXB Công an nhân dân

2.     Giáo trình luật thương mại tập I – Bùi Ngọc Cường – NXB Giáo dục

3.     Luật thương mại 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009)

4.     Nghị định Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp số 102/2010/NĐ-CP

5.     Chế độ pháp lí về vốn trong công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam – Nguyễn Phương Anh – luận văn thạc sĩ Luật học, 2012

6.     Những vấn đề lí luận và thực tiễn về vốn của công ty cổ phần ở Việt Nam – Đào Thị Hằng – luận văn thạc sĩ Luật học, 2012




10. http://vi.wikipedia.org/wiki/Cổ_đông













[1] Luật Doanh nghiệp được nói đến ở đây là Luật doanh nghiệp 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét