MỞ ĐẦU
Pháp chế là một phạm
trù rộng lớn không chỉ chứa đựng nội dung pháp luật mà còn chứa đựng những nội
dung chính trị, xã hội và con người. Có thể coi pháp chế là một chế độ trật tự pháp luật trong đó tất
cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng
và thực hiện một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác. Vì thế,
pháp chế trở thành một trong những nguyên tắc
cơ bản của quản lí hành chính Nhà nước. Thế nên, đảm bảo pháp chế trong quản lí
hành chính Nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với xã hội, đặc biệt là khi trong
đó có sự tham gia của các cơ quan hành chính Nhà nước.
NỘI DUNG
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CẦN
BIẾT.
1.
Khái niệm cơ quan hành chính Nhà nước.
Cơ quan hành chính Nhà
nước là một bộ phận hợp thành của bộ máy Nhà nước, được thành lập để thực hiện
chức năng quản lí hành chính Nhà nước. Bên cạnh những dấu hiệu chung của các cơ
quan Nhà nước, cơ quan hành chính cũng có những đặc trưng riêng về chức năng,
hệ thống, thẩm quyền, sự lệ thuộc cơ quan khác và hệ thống đơn vị cơ sở trực
thuộc nó. Tóm lại, cơ quan hành chính Nhà nước là bộ phận cấu thành của bộ máy Nhà
nước, trực thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào cơ quan quyền lực Nhà nước cùng
cấp, có phương diện hoạt động chủ yếu là hoạt động chấp hành – điều hành, có cơ
cấu tổ chức và phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.
2.
Quản lí hành chính Nhà
nước
Quản lí Nhà nước
trong lĩnh vực hành pháp là quản lí hành chính Nhà nước. Quản lý hành chính Nhà
nước là một hình thức hoạt động của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu
bởi các cơ quan hành chính Nhà nước, có nội dung là đảm bảo sự chấp hành pháp
luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực Nhà nước, nhằm tổ chức và
chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa
– xã hội và hành chính – chính trị. Nói cách khác, quản lý hành chính Nhà nước
là hoạt động mang tính chấp hành và điều hành của Nhà nước.
Tính chất chấp hành
thể hiện ở mục đích của quản lí hành chính Nhà nước là đảm bảo thực hiện trên
thực tế các văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực Nhà nước. Còn tính chất
điều hành của nó ở chỗ để đảm bảo cho các văn bản pháp luật đó được thực hiện
trên thực tế, các chủ thể của quản lí hành chính Nhà nước phải tiến hành hoạt
động tổ chức và chỉ đạo trực tiếp đối với các đối tượng quản lí thuộc quyền.
3.
Đảm bảo pháp chế
trong quản lí hành chính Nhà nước.
Đảm bảo pháp chế tức
là củng cố việc xây dựng cơ chế, phương tiện, phương pháp và cách thức nhằm làm
cho pháp luật được thực hiện có hiệu quả trong thực tế, đem lại lợi ích cho Nhà
nước, cho xã hội và người lao động. Cũng có thể coi đây là những điều kiện,
những phương tiện và khả năng thực hiện trên thực tế đối với pháp luật hiện
hành nhằm xây dựng và củng cố chính quyền của dân, do dân và vì dân, bảo vệ các
quyền và nghĩa vụ của công dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Nhiệm vụ này đã được
quy định tại điều 12 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) : “Nhà nước
quản lí xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ
nghĩa”.
II. VAI TRÒ CỦA CÁC
CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC ĐẢM BẢO PHÁP CHẾ TRONG QUẢN LÍ HÀNH
CHÍNH NHÀ NƯỚC.
1.
Cơ quan hành chính Nhà
nước ở Trung ương
Bao gồm
Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Những cơ quan này có chức
năng quản lí trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, đồng thời chỉ đạo các cơ quan hành
chính ở địa phương. Phần lớn các văn bản pháp luật do các cơ quan này ban hành
có hiệu lực trong cả nước.
a) Chính phủ
Chính phủ là cơ quan
Nhà nước có chức năng hành pháp và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất
trong bộ máy Nhà nước, đồng thời cũng là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chức
năng của Chính phủ được quy định tại điều 109 Hiến pháp 1992.
Với tư cách là cơ
quan chấp hành của Quốc hội, Chính phủ có quyền lập quy. Đó là quyền ban hành
các nghị quyết, nghị định có tính bắt buộc phải thi hành trong phạm vi cả nước
để thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, Nghị quyết
của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nghị quyết, nghị định của Chính phủ là văn bản
dưới luật được ban hành nhằm cụ thể hóa luật và để thi hành luật. Đây là một
chức năng rất quan trọng khi xem xét địa vị pháp lí của Chính phủ, đặc biệt là
khi xem xét vai trò của Chính phủ đối với việc đảm bảo pháp chế trong quan lí
hành chính Nhà nước.
Nguồn gốc của pháp
chế là pháp luật. Bởi pháp chế xã hội chủ nghĩa có nội dung là sự triệt để tôn
trọng pháp luật của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nên thông
qua hoạt động lập quy của mình, Chính phủ có vai trò đưa pháp luật vào đời
sống, tổ chức việc thực hiện pháp luật cho các cơ quan, tổ chức khác và cho
nhân dân. Và Chính phủ ban hành các Nghị định, nghị quyết để nhằm mục đích này.
Dựa vào các Nghị định, nghị quyết được ban hành mà Chính phủ trong phạm vi thẩm
quyền của mình thực hiện việc tổ chức, điều hành các hoạt động kinh tế - xã
hội, đưa pháp luật vào đời sống nhằm giữ gìn trật tự công cộng, phục vụ cho lợi
ích của nhân dân, đảm bảo an ninh xã hội.
Trong quá trình thực
hiện quyền lập quy, nhằm đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoạt động của Chính
phủ không được trái với Hiến pháp, phải phù hợp với mục đích, nội dung và yêu
cầu của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đang cụ thể hóa. Mặt khác, các văn
bản pháp luật trong quản lí hành chính Nhà nước mà Chính phủ ban hành cũng phải
có nội dung hợp pháp và thống nhất. Tức là những văn bản mà nó ban hành phải
đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ quốc
hội ban hành. Đồng thời, các văn bản này cũng phải có nội dung phù hợp với pháp
luật, hình thành trên cơ sở pháp luật và dùng để thi hành hay chỉ đạo thực hiện
pháp luật. Đây là những yêu cầu cơ bản đối với hoạt động lập quy của Quốc hội,
và nếu được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì sẽ đóng vai trò đáng kể đối với
việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính Nhà nước.
Ngoài ra, bên cạnh
quyền lập quy, Chính phủ còn thực hiện quyền kiểm tra, thanh tra cũng nhằm đảm
bảo pháp chế trong quản lí hành chính Nhà nước. Kiểm tra, thanh tra là phương
tiện quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lí những vi phạm pháp luật, phát
hiện những yếu kém trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và
của đội ngũ cán bộ công chức trong viêc thực thi nhiệm vụ của mình. Đây là
quyền quan trọng của Chính phủ nhằm đảm bảo cho các hoạt động quản lí hành
chính Nhà nước được tiến hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật, ngăn chặn những
biểu hiện đùn đẩy, né tránh, tiêu cực trong quản lí hành chính Nhà nước. Việc
kiểm tra, thanh tra trong quản lí hành chính Nhà nước được Chính phủ tiến hành
thường xuyên, đồng bộ và có các chế tài cụ thể nhằm đảm bảo hoạt động quản lí
hành chính Nhà nước đúng pháp luật và hiệu quả.
b) Bộ, cơ quan ngang Bộ
Bộ, cơ quan ngang Bộ
là cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương, có chức
năng quản lí hành chính Nhà nước về một ngành, đa ngành hoặc lĩnh vực công tác
trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay có 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ trong bộ máy hành
chính Nhà nước (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ). Chức năng của chúng được quy định
tại Điều 22 Luật tổ chức Chính phủ năm 2001.
Trong việc đảm bảo
pháp chế trong quản lí hành chính Nhà nước, thông qua địa vị pháp lí của mình,
các Bộ và các cơ quan ngang Bộ có những vai trò cơ bản như:
·
Ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư và hướng dẫn thực hiện
các văn bản đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở;
·
Hướng dẫn kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ công tác thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách;
·
Đình chỉ thi hành các văn bản có nội dung trái pháp luật đối
với văn bản thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lí do các Bộ, các địa phương ban
hành;
·
Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành Nghị
quyết của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
·
Chỉ đạo, phối hợp với ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nhiệm
vụ, công tác thuộc ngành, lĩnh vực mà mình quản lí;
·
Có trách nhiệm phối hợp để chuẩn bị các đề án chung trình
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ;
·
Phối hợp ban hành thông tư liên tịch chỉ đạo, hướng dẫn thực
hiện các vấn đề thuộc chức năng quản lí Nhà nước.
Bằng những quyền trên,
Bộ và cơ quan ngang Bộ sẽ thực hiện chức năng cụ thể hóa pháp luật vào trong
lĩnh vực cụ thể mà mình trực tiếp quản lí, đồng thời phát huy tối đa chức năng
kiểm tra, giám sát trong quản lí hành chính Nhà nước, từ đó đóng vai trò quan
trọng trong đảm bảo pháp chế.
2.
Cơ quan hành chính Nhà
nước ở địa phương
Bao gồm Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố thuộc tỉnh, quận và thị xã (cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (cấp xã).
Ủy ban nhân dân các
cấp là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, có vai trò vô cùng quan trọng
trong bộ máy chính quyền địa phương. Chúng do cơ quan quyền lực Nhà nước cùng
cấp lập ra nên chúng được xác định là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà
nước cùng cấp, thực hiện chức năng quản lí Nhà nước trên mọi lĩnh vực trong
phạm vi địa giới hành chính nhất định. Vì vậy, các văn bản pháp luật do UBND
ban hành thường chỉ có hiệu lực trên phạm vi lãnh thổ hoạt động của chính nó.
Với địa vị pháp lí
đó, Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính đảm bảo việc thi hành văn bản pháp
luật của các cơ quan Nhà nước cấp trên và của hội đồng nhân dân cùng cấp, đồng
thời, giám sát việc thi hành pháp luật của các đơn vị cơ sở của các cơ quan
hành chính Nhà nước ở trung ương đóng tại địa phương trong phạm vi những vấn đề
thuộc quyền quản lí lãnh thổ. Trong khi UBND cấp tỉnh đóng vai trò là cơ quan
chỉ đạo hành chính tối cao ở địa phương thì UBND cấp huyện lại đóng vai trò
trung gian khi chuyển tải các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước xuống các cơ quan hành chính Nhà nước cấp cơ sở. UBND cấp xã là cấp hành
chính gần dân nhất vì thế nó có trách nhiệm rất lớn trong việc chuyển tải đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân.
Bên cạnh đó, UBND
các cấp cũng là cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền chung. Tương tự Chính
phủ, UBND thực hiện quyền lập quy nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện các
văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên và hội đồng nhân dân cùng cấp.
Những văn bản đó phải được ban hành đúng thẩm quyền, có nội dung hợp pháp và
thống nhất, đúng tên gọi và hình thức do pháp luật quy định để pháp luật được
đảm bảo thực hiện nghiêm túc và thống nhất cho đến cấp cơ sở, cấp cơ quan hành
chính gần dân nhất. Ngoài ra, UBND còn ban hành các văn bản áp dụng pháp luật
để giải quyết các trường hợp cụ thể xảy ra trong thực tiễn quản lí hành chính Nhà
nước trên địa bàn quản lí Nhà nước thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời, tổ
chức, chỉ đạo quản lí Nhà nước ở mọi lĩnh vực xuống cấp dưới; kiểm tra, giám
sát việc tuân thủ pháp luật đối với các cơ quan Nhà nước cấp dưới và trực tiếp
giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời các việc làm vi
phạm pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và
thống nhất. Thông qua những công việc cụ thể đó, hoạt động này của Ủy ban nhân
dân đảm bảo cho pháp luật trở thành hiện thực trong thực tiễn quản lí hành
chính Nhà nước, làm cho quản lí hành chính Nhà nước thực sự phát huy được hiệu
lực ở cấp địa phương, cấp cơ sở.
KẾT
Một nền pháp chế
thống nhất, vững chắc là cơ sở cần thiết cho hệ thống pháp luật điều chỉnh có
hiệu quả các quan hệ xã hội, phát huy được hiệu lực của mình; mặt khác, chỉ khi
có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp và được sửa đổi, điều
chỉnh, bổ sung kịp thời khi cần thiết, thì nền pháp chế mới được củng cố và
tăng cường. Việc bảo đảm pháp chế có ý nghĩa to lớn đối với quản lý Nhà nước
nói chung, quản lý hành chính Nhà nước nói riêng. Bởi vậy, đảm bảo cho pháp chế
được củng cố, tăng cường và hoàn thiện là yêu cầu khách quan của quá trình xây
dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đồng thời, cũng là yêu cầu của quá
trình hoàn thiện con người và các quyền của họ trong xã hội, đặc biệt là trong
quá trình quản lí hành chính Nhà nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam
2008 – Đại học Luật Hà Nội
2. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam
1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001)
3. Giáo trình Luật Hiến
pháp Việt Nam 2012 - Đại học Luật Hà Nội
4. Giáo trình Lí luận Nhà nước và pháp
luật 2012 - Đại học Luật Hà Nội
5. Luật ban hành văn
bản quy phạm pháp luật của Quốc hội năm 2008
6. Luật tổ chức Chính phủ
7. Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân 2003
8. Luật ban hành văn
bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004
9. Hành chính học đại cương – Huỳnh Bá
Học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét