Mục lục

1. Hủ nữ xuyên tiên hiệp

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Hình sự lớn

BÀI TẬP HỌC KỲ
Trong số các quyền nhân thân, quyền sống của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Khi quyền sống của con người bị xâm phạm thì mục tiêu phấn đấu của loài người sẽ trở nên vô nghĩa; động lực phát triển của xã hội sẽ bị triệt tiêu. Thêm vào đó, con người còn là chủ thể của quan hệ xã hội, nếu quyền sống của con người bị xâm phạm thì các quan hệ xã hội sẽ bị phá vỡ. Chính vì những lí do trên mà mục tiêu bảo vệ quyền sống của con người luôn được đặt lên hàng đầu đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi thời đại và mọi chế độ.
Cũng vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quyền sống của con người mà trong BLHS năm 1999, ngay sau các tội phạm an ninh quốc gia, nhà làm luật đã qui định các tội xâm phạm nhân thân. Trong số các tội xâm phạm nhân thân thì tội giết người được qui định đầu tiên và là một trong ba tôi có hình phạt nghiêm khắc nhất - tử hình. Thực tế xã hội hiện nay cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, nhất là trong giai đoạn thời kì kinh tế nước ta hội nhập với kinh tế thế giới thì các loại tội phạm nói chung cũng như cũng như tội giết người nói riêng càng trở nên phức tạp hơn
Đề bài:
Bài 1: Khoảng 3 năm gần đây, ông A thay đổi tính tình, thường xuyên gây sự với người trong gia đình. Nhiều hôm sau khi đánh vợ, ông còn đuổi Trung ra khỏi nhà (Trung là con trai ông A). Chiều tối ngày 28/7/2011 đi làm về, thấy mẹ bị bố đánh nằm bất tỉnh, người bê bết máu, không kiềm chế được cơn giận, Trung hùng hổ vào bếp lấy con dao phay để “hỏi bố cho ra lẽ”. Thấy ông A từ ngoài sân đi vào nhà, Trung hỏi: “Sao ông lại đánh mẹ tôi” và lao đến đâm nhiều nhát. Sau 2 ngày cấp cứu tại bệnh viện, ông A chết. Trung bị tòa án xử phạt 13 năm tù về Tội giết người.
HỎI:
1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS hãy phân loại Tội giết người (Điều 93 BLHS). (2 điểm)
2. Có thể căn cứ vào hình phạt 13 năm tù mà Tòa án đã tuyên đối với Trung để xác định tội phạm do Trung thực hiện thuộc loại tội nào được không? Vì sao? (1 điểm)
3. Dựa vào đặc điểm cấu trúc hay xác định Tội giết người có CTTP gì? (2 điểm)
4. Xác định hình thức lỗi của Trung. (2 điểm)
BÀI LÀM
1.     Phân loại tội giết người ở điều 93 BLHS căn cứ vào khoản 3 điều 8
Về tội giết người, điều 93 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định:
Điều 93. Tội giết người 
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Xét khoản 3 điều 8 BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009): “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Như vậy, căn cứ vào khoản 3 điều 8 BLHS và theo quy định tại:
·        Khoản 1 điều 93 BLHS: mức cao nhất của khung hình phạt của tội này là tù chung thân hoặc tử hình nên tội này thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
·        Khoản 2 điều 93 BLHS: mức cao nhất của khung hình phạt của tội này là mười lăm năm nên tội này thuộc loại rất nghiêm trọng.
Còn khoản 3 điều 93 chỉ là những quy định về hình phạt bổ sung đối với tội giết người.
2.     Có thể khẳng định rằng: không thể căn cứ vào hình phạt 13 năm tù mà Tòa án đã tuyên đối với Trung để xác định tội phạm do Trung thực hiện thuộc loại tội nào.
Theo cách phân loại tội phạm của BLHS Việt Nam, tội phạm tuy có chung các dấu hiệu (tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật và hậu quả phải chịu hình phạt) nhưng những hành vi phạm tội cụ thể khác nhau có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Chính vì sự khác nhau như vậy mà vấn đề phân hóa và cụ thể hóa hình phạt được đặt ra như là nguyên tắc của luât hình sự Việt Nam. Theo khoản 2 Điều 8 BLHS, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được qui định trong bộ luật, tội phạm được phân chia thành 4 loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đăc biêt nghiêm trọng. Mỗi loại tội được gắn với một khung hình phạt khác nhau ( khoản 3 Điều 8). Nguyên tắc phân loại tội phạm phải dựa trên khung hình phạt được ghi trong một điều luật của Bộ luật hình sự, mà không phải dựa trên mức án cụ thể mà tòa án tuyên phạt. Bởi lẽ mức án đó là kết quả của quá trình xem xét đánh giá một cách toàn diện của tòa án với những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hay tình tiết khác mà có liên quan đến người phạm tội như nhân thân của họ, yếu tố nước ngoài… trong lí lịch của người phạm tội và trong các tài liệu khác có liên quan.
Trường hợp của Trung, xét thấy ông A bị Trung đâm nhiều nhát gây tử vong, do đó hành vi của Trung là hành vi giết người tức là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật. Mặt khác, ông A cũng là bố của Trung cho nên Trung đã phạm vào điểm đ khoản 1 điều 93 BLHS: “Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình” với khung hình phạt  “phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Do đó hành vi của Trung thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3.     Cấu thành tội phạm của tội giết người
Ngoài việc xác định tội phạm thì việc xác định CTTP cũng là một việc quan trọng và tất yếu trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. CTTP thể hiện rõ ở các bình diện sau: thứ nhất, CTTP là một trong những điều kiện chung và quan trọng nhất để định tội danh chính xác; thứ hai, CTTP là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu TNHS người phạm tội; thứ ba, CTTP là căn cứ để toàn án lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người bị kết án; thứ tư, CTTP là yếu tố để đảm bảo các quyền và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự đồng thời hỗ trợ cho việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp chế và củng cố trật tự pháp luật.
Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia CTTP thành CTTP vật chất và CTTP hình thức. CTTP vật chất là CTTP có dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; CTTP hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Điểm khác nhau giữa CTTP vật chất và CTTP hình thức ở chỗ nhà làm luật quy định dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc hay không phải là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Việc xác định loại tội nào có CTTP vật chất hay có CTTP hình thức phải dựa vào quy định của luật, tránh quan niệm cho rằng nếu có hậu quả xảy ra thì tội phạm đang xem xét có CTTP vật chất hay ngược lại, nếu hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả thì tội có CTTP hình thức. Việc xây dựng loại tội nào có CTTP cơ bản là CTTP vật chất hay CTTP hình thức là xuất phát từ cơ sở khách quan sau:
- Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm hoặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội là hậu quả khó xác định thì CTTP thường được xây dựng là CTTP hình thức.
- Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà đòi hỏi phải có cả hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì CTTP thường được xây dựng là CTTP vật chất.
Như ta thấy ở Điều 93 BLHS quy định về tội giết người, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP tội giết người, tức là tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội bị coi là tội cố ý gây thương tích hay tội giết người chưa đạt (tùy thuộc lỗi của người phạm tội). Bên cạnh đó, hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm chết người, phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Trong trường hợp tội giết người tại Điều 93 BLHS thì hậu quả giết người bắt buộc phải xảy ra tức là đã hoàn thành cả hành vi và hậu quả. Vậy nên ta khẳng định tội giết người có CTTP vật chất.
4.     Hình thức lỗi của Trung
Tóm tắt hành vi phạm tội của Trung: Trung là con trai của ông A. Ông A thường xuyên đánh vợ và đuổi Trung ra khỏi nhà. Chiều tối ngày 28/7/2011, sau khi đi làm về thấy mẹ bị bố đánh chảy nhiều máu và bất tỉnh, trong cơn giận dữ, Trung vào bếp lấy dao phay đâm ông A nhiều nhát. Ông A chết sau 2 ngày cấp cứu tại bệnh viện.
Trung đã pham tội giết người quy định tại khoản 1 điều 93 BLHS. Lỗi của Trung là lỗi cố ý trực tiếp.
Về lí trí, Trung nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình thông qua các tình tiết khách quan như vào bếp lấy dao phay và lao đến để đâm ông A. Về ý chí, Trung biết rõ và mong muốn hậu quả chết người xẩy ra, vì Trung đã đâm ông A nhiều nhát. Hành vi này chứng tỏ Trung không chỉ đơn thuần muốn “hỏi bố cho ra lẽ” mà đã thực sự muốn ông A chết.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập I – Đại học Luật Hà Nội 2007
2.     Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009)
3.     Bình luận khoa học BLHS Phần các tội phạm, Nxb Chính trị quốc gia 1999





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét